Thứ Năm, 5 tháng 2, 2009

Thăng trầm số phận bộ phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai”

Trong ký ức tôi thời còn là sinh viên, "Hà Nội trong mắt ai" là một bộ phim bị “cấm". Hồi đó một đứa trong chúng tôi có bố công tác trong Bộ Nội vụ (cũ) - Bộ Công an bây giờ. Nhờ nó mà chúng tôi lọt được qua cổng Bộ này, 15 Trần Bình Trọng, xem trọn vẹn bộ phim. Cảm xúc của lũ chúng tôi bấy giờ sau đó chuyển từ ngạc nhiên, sửng sốt đến bái phục, ngưỡng mộ. Sao không ngạc nhiên, sửng sốt được khi tự nhiên bỗng dưng xuất hiện một bộ phim một mình một giọng như vậy? Sao không bái phục, ngưỡng mộ khi những ngưòi làm phim đã dám nói những điều ngay thẳng, lại hay đến vậy? Và bất chấp lịch biểu học hành, nhiều lần sau đó, cứ có cơ hội là chúng tôi lại đi "xem chui" bộ phim này, không chán. Không chỉ trong giới sinh viên, đi đến đâu, gặp bất kỳ ai người ta cũng xôn xao, bàn tán về bộ phim. Mọi người đều chung một câu hỏi: tại sao nó bị "cấm"?
Thực ra, không có bất kỳ một văn bản nào do ai ký ra lệnh cấm lưu hành bộ phim này. Nhưng dường như chỉ sau một thời gian rất ngắn, chừng vài ba tháng thôi, từ sau khi nó được phát hành thì phải, không một ai dám công khai chiếu hoặc xem tiếp bộ phim. Và, một lẽ thường tình, đạo diễn bộ phim, ông Trần Văn Thuỷ, lập tức bị hầu hết mọi người, kể cả những đồng nghiệp thân cận nhất cô lập, ghẻ lạnh. Cố nghệ sĩ Phạm Hà có lần đã hỏi thẳng ông: "ơ! Cậu chưa bị bắt à? "... Chuyện xảy ra từ cách nay khoảng hơn một phần tư thế kỷ. Ông Thủy không những đã được “cứu” thoát khỏi tình cảnh này mà còn được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Những người từng “có duyên nợ”, “ân oán” với ông và bộ phim này hồi ấy nay phần nhiều đã đi vào quá vãng. Tuy nhiên, với ông Thủy, dường như mọi việc chưa qua. Có gì như nghèn nghẹn nơi ông khi có dịp nào phải nhắc lại chuyện này với ai. Và có gì như ngài ngại khi ai đó đương chức đương quyền khi buộc phải nhắc đến chuyện này. Ngõ hầu góp phần đặt dấu chấm hết cho câu chuyện, tôi tìm đến ông.
Không khó khăn gì khi muốn tìm số máy điện thoại của ông. Chỉ cần một cú bấm máy gọi số 116, hỏi số điện thoại nhà ông là ra. Nhưng, dễ phải đến lần thứ 5 nhấc máy, tôi vẫn chỉ nhận được một câu trả lời: "Chuyện ấy - (chuyện làm phim này - t/g) đã qua lâu rồi, tôi không muốn ai gợi lại nữa". Bất quá, tôi đành mạnh dạn bấm chuông nhà ông. Rất may hôm nay cái điệp khúc kia của ông không lặp lại. Chỉ sau ít phút làm quen, ông đã hào hứng tiếp tôi một mạch đến quá trưa, không dứt.... “Là chỉ để nói chuyện chơi thôi chứ đừng có đăng báo chí gì đấy!” - ông giao hẹn trước khi nói.
Với phim "Hà Nội trong mắt ai", lúc đầu ông định làm chơi, làm cho nó xong, cho nó tròn bổn phận của một người làm công ăn lương. Bởi vì cả năm 1981 ông không làm được gì. Năm 1980, ông giành được một cái giải khá lớn bằng phim "Phản bội", làm chấn động trong nước và thế giới. Cho nên làm cái gì cũng khó, ông phải chần chừ. Cuối năm ấy bình bầu Lao động tiên tiến, Chiến sĩ thi đua, Đảng viên bốn tốt... ông không có cái gì, nghĩ cũng ngượng. “Mình nghĩ: thôi thì làm cái gì đó cho nó có việc, cuối năm cho nó đỡ phiền” - ông bộc bạch. Thế rồi...
Hồi đó ông được nhận một kịch bản phim "Hà Nội năm cửa ô" viết về Hà Nội du lịch, về phố cũ, phố mới, chùa triền, lăng tẩm, khéo tay hay làm... Soi xét nó lại với thực tế cuộc sống, ông thấy ta mất mát quá nhiều. Vào những năm đầu thập kỷ 80, Hà Nội điêu linh, đói kém, khó khăn lắm, chúng ta đang còn phải ăn bo bo. “Mình thấy cái kịch bản này không thể làm được. Nếu làm bộ phim này lúc ấy thì chỉ có đóng mà thôi, lấy đâu ra quần chùng, áo dài...” - ông kể. Kịch bản phim có nhiều chi tiết liên quan đến sử sách, phải đi kiếm sách đọc, đi điều tra. "Ngôi nhà 80 - 82 phố Hàng Gai, nếu đang đi giữa cái nắng choáng ngợp của phố phường mà ta bước chân vào ngôi nhà cổ này, có những cái gác xép cửa lùa, có tiếng chim gù trên mái ngói thì lòng ta tĩnh lại". Kịch bản viết là thế, nhưng đến đây ông thấy một bên là cửa hiệu thêu, một bên là trụ sở HTX. Ông hỏi chủ nhà: "Cái nhà này đã sửa lại từ bao giờ?" (Vì nó giống như tất cả các nhà cửa, phố xá, cửa hàng cửa hiệu lúc bấy giờ), rồi đọc cho ông ta nghe đoạn kịch bản này. Vị chủ nhà hỏi lại: "Người viết những dòng này bao nhiêu tuổi? ". Ông đáp: "Cỡ bằng tuổi cháu". Vị chủ nhà tiếp: "Thế thì anh ấy chép ở đâu ra ấy chứ. Năm 1945, Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, bọn Tây ở bên kia, bọn tôi ở bên này đã bắn nhau chí chát thì cái nhà nó đã thế này rồi, làm gì có cái cảnh như các anh viết trong đó đâu". Đến ô Quan Chưởng tìm Văn bia của Tổng đốc Hoàng Diệu, đến gặp ông Nguyễn Vinh Phúc, gặp cụ Trần Huy Bá ông mới bừng tỉnh ra một điều: những giá trị tinh thần của dân tộc thì tồn tại vĩnh cửu. “Thế thì thôi, đừng làm làm cái đẹp về mặt cảnh quan khi nó không còn, không có nữa. Hãy tìm đến những cái có thật, đích thật, rất cần cho đời nay - những giá trị tiêu biểu cho cách trị nước yên dân như thế nào” - Đạo diễn Trần Văn Thủy rút ra sau những đắn đo suy tính. Và lúc này, vào cái thời điểm đầu những năm 80 ấy, những điều này cần thiết biết bao! Xót xa với hiện thực của dân chúng thế nào, trọng dụng nhân tài ra làm sao?... Ông đã liệt kê ra giấy như vậy sau tất cả những sự đọc sách, điều tra. Quan niệm của ông là làm phim tài liệu không chỉ đúng và đủ. Đúng và đủ là những chuẩn mực của các công trình nghiên cứu khoa học, của các nghị quyết. Nếu chỉ có vậy, người ta không xem thì cũng... vứt! Muốn cho người xem “tiêu hoá” được thì chúng còn phải hay nữa. Bởi thế cho nên muốn cho bộ phim có tính kịch thì phải sắp xếp lại những tích tuồng hay nhất mà các tiền nhân chúng ta để lại. Và, nhiều chuyện hay đã được ông đưa vào phim. Chuyện Tổng đốc Hoàng Diệu đặt tấm Văn bia ở Ô Quan Chưởng cấm các chức vị quan trường không được sách nhiễu dân lành làm ăn sinh sống ở đây như thế nào, chuyện vua Lê Thánh Tông dựng Đình Quản Văn ra làm sao, chuyện Quang Trung sau khi chiến thắng lẫy lừng trên sông Rạch Gầm đại phá quân Xiêm vào thành Thăng Long thăm vua Lê Cảnh Hưng, ông vua già mất quyền đã lâu rồi thế nào... Phép nước bấy giờ quy định lên Điện không được đem vũ khí. Quang Trung quyên mất điều đó, cứ thế đeo kiếm phăm phăm bước lên Thềm Rồng. Tất cả mọi người xanh mắt sợ, riêng chỉ có một mình Phương Đình Pháp, một viên quan lễ tân của triều đình đứng ra vòng tay trước mặt Quang Trung thưa lại với ông điều này. Quang Trung trừng mắt nhìn thẳng vào mặt Pháp. Pháp vẫn điềm nhiên. Thế rồi thấy phải, Quang Trung bỏ kiếm, bước lên Điện. Câu chuyện chỉ có thế nhưng ông Thủy cũng thấy rằng: trong mắt Quang Trung lúc bấy giờ, quốc gia chỉ có thể trường tồn và hưng thịnh khi kẻ thường dân dám nói với bề trên điều ngay thẳng và người có quyền uy phải biết nghe kẻ dưới mình điều phải trái. Ngày nay, trong Chùa Bộc, Hà Nội, còn lưu giữ được một bức tượng. Trên đầu bức tượng đề chữ Tâm. Tất cả các nhà nghiên cứu đều không biết được bức tượng này thờ ai. Sau này cụ Trần Huy Bá đã phải mất rất nhiều công phu, đặt giấy bản vòng ra đằng sau bức tượng, dùng than chà. Tờ giấy hiện lên: "Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng". Tức là, đúng vào năm mà Gia Long chống anh em nhà Tây Sơn một cách kịch liệt, tàn sát, huỷ diệt tất cả những gì của họ thì dân chúng vẫn dựng tượng Quang Trung. "Hà Nội trong mắt ai" ra đời và đã tập hợp những chuyện như thế!..
Ngay từ lần chiếu đầu tiên bộ phim để trình duyệt, theo ông Thủy, Ban giám đốc hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương đã “Thấy nó có gì không ổn". Họ liền mời những người được coi là trọng trách nhất trong lĩnh vực tư tưởng, văn hoá nước ta xem. Xem xong, các vị này đều kết luận ngay rằng phim "Có vấn đề"! Anh em trong cơ quan đến lúc này vẫn chưa người nào, kể cả đồng chí Bí thư đảng uỷ, được xem. Rồi phim được bí mật chiếu cho một số người được coi là "cấp trên" xem. Rốt cuộc, Giám đốc hãng phim Lý Thái Bảo trả lời ông Thủy: bộ phim không được chiếu (!).
Thực ra, theo ông Thủy, đó là do có một số người xem phim xong tự vơ vào, vận vào mình mà cho rằng bộ phim này chống Đảng, dậy Đảng cầm quyền, kêu gọi mọi người “xuống đường” (?!). Chẳng qua là có thể họ "có tật giật mình". Trong đó có một nhà thơ từng có quan hệ rất thân thiện với ông Thủy từ cuối những năm 60, khi ông mang phim từ chiến trường ra, chiếu tại nhà cho hai vợ chồng họ xem. Nội dung phim có một chi tiết mà nhà thơ đã hiểu lầm. ấy là đoạn nói về bà Huyện Thanh Quan xưa ở làng Nghi Tàm (Hà Nội), theo chồng đi làm quan xa tại miền Trung. Rồi một hôm, ông Huyện đi vắng, bà nhận được mớ đơn kiện trong đó có đơn của chị Nguyễn Thị Đào xin cải giá vì chồng đi lính thú (ra biên ải) lâu ngày. Nhớ cảnh Tây Hồ, thương cảm cô Đào, nhà thơ mạnh dạn phê vào đơn: "Phó cho con Nguyễn Thị Đào / Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai...". Đào được đi bước nữa. Nhưng chẳng bao lâu sau, chồng cô trở về phát đơn kiện. Ông Huyện mất chức. Lời bình phim viết: "Thế mới biết cái máu me văn nghệ dính vào việc quan trường gây ra nhiều sự rắc rối là thế! ". "Là một nhà thơ lớn - ông Thuỷ nói tiếp - nhưng vị này tự vận mình vào chuyện của bà Huyện Thanh Quan thì buồn cười quá. Bà sống trong một giai đoạn lịch sử hoàn toàn khác. Ông ta có "máu me" văn nghệ nhưng không nhiều, "máu me" quan trường, máu me chính trị của ông mới nhiều chứ! ". Hay đoạn nói về Lê Thánh Tông dựng Đình Quản Văn, trong đặt trống Đăng Văn cho dân chúng đến kêu oan. Phim liên tưởng: giá như thời Lê Mạt cũng có một cái trống như vậy thì tại đây dân chúng sẽ phải đinh tai nhức óc. Đó cũng là nói chuyện xưa, những tích tuồng trị nước yên dân. Nhưng không may cho ông Thủy, có người lại nói chuyện xưa sao nó lại giống hiện thực hồi đó đến thế! Tại sao Nguyễn Siêu lại cho dựng Tháp Bút bên Hồ Gươm? Tại sao Tổng đốc Hoàng Diệu lại cho đặt tấm bia kia ở Ô Quan Chưởng?... Trong 38 năm cầm quyền của Lê Thánh Tông, đất nước thịnh trị. Xây dựng bộ Luật Hồng Đức, thành lập Hội Tao Đàn, viết Đại Việt sử ký toàn thư, dựng Bia Văn miếu - có vị vua nào làm được lắm việc lớn như ông này không? Mà đến khi cái Điện Huy Văn, nơi bà Ngô Thị Ngọc Giao đẻ ra vua Lê Thánh Tông xiêu vẹo, đổ nát, người ta đã dọn nó đi để làm trụ sở UBND phường. (Vào cái thời điểm đó người ta vẫn còn phá hoại đình chùa). Tất cả những điều đó đều chẳng đáng kể ra vào lúc này hay sao?
Ông Thuỷ nhớ lại dạo ấy, có lần, bộ phim đã được chiếu đi chiếu lại tới bốn lượt trong một buổi sáng tại Quân uỷ Trung ương - chuyện lạ chưa từng có. Sau đó, Uỷ ban Khoa học xã hội phải tổ chức cả một cuộc toạ đàm "nghiên cứu" bộ phim, có các đại biểu của Viện Sử học, Viện Triết học, Viện Hán nôm cùng tham gia. Không một ai ở đây có thể tìm ra bất kỳ một sai sót nào của bộ phim, kể cả cái những cái "chốt" của bộ phim - ông Thuỷ tâm sự – như đoạn nói về Lê Lợi. Nguyễn Trãi, người quê làng Nhị Khê nhưng lại sinh thành ở Hà Nội. Tâm huyết suốt đời cho sự tồn vinh của đất nước và với thân phận của những người dân, ông từng đặt bút: "Chăn lạnh vắt vai đêm chẳng ngủ /Suốt đời ôm mãi nỗi lo dân". Từng được ông cùng Trần Nguyên Hãn "nếm mật năm gai" phò suốt 10 năm là thế nhưng khi được lên ngôi, vị vua này nghi kỵ các quan cận thần, đã phế truất cả Nguyễn Trãi, Phạm Văn Sảo và Trần Nguyên Hãn. Khi đã tống được Nguyễn Trãi vào ngục rồi, Lê Lợi còn hỏi ông nên viết quốc nhạc như thế nào? Nguyễn Trãi bình thản mà rằng: "Thưa bệ hạ, thương yêu dân chúng thì hãy làm những việc nhân đức. Đừng vì ơn riêng mà thưởng bậy. Đừng vì giận ai mà phản bội. Đó là cái gốc trường tồn nhất của quốc nhạc! ". Có nhà nghiên cứu lịch sử của Học viện Chính trị Nguyễn Ái Quốc quê Thanh Hoá phản đối ông Thủy ầm ầm rằng: "Lê Lợi chúng tôi chưa bao giờ được miêu tả như thế! ". Người ta tranh cãi về những đoạn như thế này rất d ữ, rằng phim đã ám chỉ ông này, ám chỉ ông kia bây giờ... Và, bắt đầu từ đấy, không còn ai dám nhắc đến việc tiếp tục cho chiếu bộ phim này nữa...
“Cho đến năm 1985, mình không còn cái gì nữa - ông chua chát kể lại - cả điều kiện làm việc, miếng cơm manh áo, tất tật. Vợ mình bảo mình điên. Bạn bè cũng nói mình vậy. Nỗi khổ nhất lúc ấy là sự cô đơn. Bạn bè đồng nghiệp lên cơ quan bảy rưỡi, tám giờ có mặt tề tựu đông đủ chỉ để xem mình... đã bị bắt hay chưa. Báo Tuổi trẻ phỏng vấn tôi trong những năm mà "Hà Nội trong mắt ai" bị "cấm", ông làm cái gì?”. Tôi đã trả lời với họ rằng: “Trong những năm nhàn tản không có việc làm này, tôi đã đến những nơi mình từng đến quay phim, những nơi mà chúng tôi đã từng đến chiêm ngẫm, suy nghĩ như mộ ông Ngô Thì Nhậm ở Làng Tả Thanh Oai, mộ bà Đoàn Thị Điểm, mộ cụ Nguyễn Trãi ở làng Nhị Khê, nơi thờ phụng Lê Thánh Tông ở Điện Huy Văn. Và, tôi thắp hương trên bàn thờ tổ tiên nhà mình. Mỗi lần như thế, tôi thường lẩm nhẩm một câu thành tiếng rằng: Thưa các bậc tiên tổ, con có tội tình gì không? Nhìn lên bàn thờ tôi thấy những nén hương sau khi cháy cứ cong lên như râu rồng"...
Bộ phim không được chiếu! "Tại sao vậy? Xin các anh chỉ bảo cho tôi những chỗ không phải, những chỗ sai để chúng tôi có thể sửa" - bằng một giọng rất mếm mỏng, rất "đàn em", hồi đó ông Thuỷ khẩn khoản. Ban giám đốc hãng phim kính chuyển nguyện vọng này của ông lên các vị lãnh đạo tư tưởng văn hoá. Họ đồng ý cho sửa chữa bộ phim. Nhưng, khi được hỏi cần phải sửa chỗ nào, một trong số các vị này đã thốt lên: "Đây là một bộ phim sai, sai đến mức không thể sửa được! ". Sai đến mức như thế có nghĩa là nó đúng! - ông Thủy nghĩ.
Cùng kíp làm bộ phim này có anh Lưu Hà, con trai ông Lưu Xuân Thư, Phó giám đốc hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương hồi bấy giờ. Hà đang là sinh viên Trường Sân khấu điện ảnh. Đây là bộ phim đầu tay mà anh bấm máy, cũng là bài thi tốt nghiệp của anh. Ông bèn nghĩ ra một kế: “xui” anh đề nghị nhà trường đứng ra tổ chức chiếu bộ phim này ở Cung Thiếu nhi, để "Cho sinh viên báo cáo tốt nghiệp". Danh sách mời có tất cả các học giả, tất cả các nhà nghiên cứu, tất cả các cục, vụ viện. Trong đó có cả các thầy giáo của nhà trường đến dự. Thời kỳ này, Cung Thiếu nhi là địa điểm chiếu phim sang nhất ở Hà Nội với quy mô hơn 500 chỗ, màn ảnh cực trắng, ánh sáng cực mạnh. ơn trời! Kế họach này được chấp thuận. Khán giả đến chật cứng các hàng ghế. Họ reo hò, vỗ tay tán thưởng ầm cả rạp. Sau buổi chiếu, Ban giám đốc hãng phim cho gọi ông Thuỷ lên hỏi: "Bây giờ ý Thuỷ thế nào? ". Ông đáp: "Thưa các anh! Nếu như tôi viết một cuốn sách, hay vẽ một bức tranh thì việc thưởng, phạt chỉ là của riêng tôi. Nhưng đây là một bộ phim, nó ra đời không chỉ bởi cá nhân tôi mà là do cả tập thể làm phim, là của cả hãng phim. Bởi vậy, xin các anh lưu ý cho một điều rằng: nếu cái phim này nó hay, nó bán được bản quyền, được khen thì là chung của hãng. Nhưng nếu nó dở, nó có tội thì các anh cũng nên công bằng. Nếu định đánh 100 roi thì chỉ nên đánh vào tôi 80 roi, rồi các anh phải bảo cấp trên đánh vào các anh một số roi, đánh vào ông Cục trưởng Cục Điện ảnh một số roi, đánh vào ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa một số roi... Chứ tại sao một cái phim hay, bán được bản quyền thì là của Nhà nước, còn cái phim "có vấn đề" thì tất cả 100 roi các anh đều đánh cả vào tôi? ". Các vị lãnh đạo hãng phim lúc này đều ngơ ngác, thành thật: "Cậu nói phải! Nhưng mà bây giờ sửa thế nào? ". Ông Thuỷ nói: "Sửa thế nào, đây là chuỵện của các anh. Tôi thì tôi làm như vậy và tôi nghĩ như vậy. Và cho đến giờ phút này các anh hỏi tôi dù là theo trách nhiệm công dân hay trách nhiệm đảng viên thì tôi vẫn tự hào rằng tôi, một công dân, một đảng viên, đã làm một bộ phim như vậy. Con người ta khi có tà tâm thì không đàng hoàng được đâu, không lễ phép được đâu và cũng không tự tin được đâu. Bác Hồ nói là phải biết lắng nghe ý kiến của quần chúng. Quần chúng đây tôi không dám nói đến những người ở ngoài đường. Ít nhất thì các anh phải chiếu cho các anh chị em trong hãng xem, những đồng nghiệp của tôi, để họ góp ý cho tôi hiểu cách làm phim tài liệu như thế nào, hiểu "cái vòng phấn" mà Đảng và Nhà nước đã "vẽ" cho chúng ta được "nhảy múa" trong đó như thế nào? Rồi anh chiếu cho Xưởng Phim truyện, chiếu cho Cục Điện ảnh, chiếu cho Xưởng phim quân đội, chiếu cho các hội văn học nghệ thuật để người ta góp ý cho chúng ta". Ban giám đốc hãng phim bắt đầu lên danh sách những người được mời xem phim, ở các xưởng phim, các hội văn học nghệ thuật, lên danh sách anh em trong hãng (kể cả anh em trong Nam)... Khi chiếu phim bao giờ cũng có người đứng canh ở cửa, đọc tên cho từng người vào một. Cho đến bây giờ, hẳn tất cả những ai đã từng tham dự vào vụ này đều còn nhớ, tất cả mọi người dù trong hay ngoài hãng phim, kể cả các cụ già như cụ Mai Lộc, cụ Khương Mễ sau khi xem phim xong đều thốt lên: "Sao cái phim như thế này mà lại định “cấm” kia chứ? ". Ai cũng khen hết, kể cả những người từng ghét ông Thuỷ ngày trước. Không một người nào kể cả các vị bên Viện Triết hay Viện sử, Viện Hán nôm... có thể tìm ra được bất kỳ một sai sót dù nhỏ nào trong bộ phim. Ông Thuỷ đã được họ "bênh"! Khi thông tin này loang ra, một lệnh bất thành văn được ban ra từ một cấp: không được chiếu bộ phim này dưới bất kỳ hình thức nào nữa (!!!). Tại một hội nghị phát hành phim trung ương có các đại biểu các tỉnh về họp, Cục trưởng Cục Điện ảnh bấy giờ muốn chiếu bộ phim này cho họ xem cũng không được phép. Đó là vào giữa năm 1983 - ông Thuỷ nhớ lại và nghĩ: mọi việc đã kết thúc. Liên tưởng đến một số vụ trước đây như nhân văn giai phẩm, xét lại... ông bắt đầu hết hy vọng thì...
Một hôm, bỗng nhiên có một cú phôn của ông Nguyễn Việt Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng bộ trưởng gọi xuống đề nghị Hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương mang phim “Hà Nội trong mắt ai” lên chiếu cho Văn phòng xem. Dưới hãng phim, ông Bùi Đình Hạc, bấy giờ mới được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc hãng phim, thay cho ông Lý Thái Bảo sang làm Thư ký Hội Điện ảnh, trả lời: "Alô! không được phép đâu. Lệnh của cấp trên không được chiếu nữa". Ngày 15/10/1983, Văn phòng Hội đồng bộ trưởng lại gọi xuống. Một lần nữa Giám đốc hãng phim Tài liệu khoa học Trung ương Bùi Đình Hạc lại từ chối lời đề nghị này với lý do: "Phim đang được cắt ra để sửa". Từ đầu dây bên kia, giọng nói đĩnh đạc của ông Dũng vang lên: "Chúng tôi biết rằng bộ phim ấy có thể chiếu được hay không chiếu được. Chúng tôi có chỗ để biết. Nhưng lần cuối cùng tôi báo cho các anh biết đây là chỉ thị của Thủ tướng Phạm Văn Đồng". Ban lãnh đạo hãng phim lại hỏi ông Thuỷ: "Bây giờ ý cậu thế nào?". "ối giờ ơi! Sao các ông lại hỏi tôi ý đó. Các ông là người có chức có quyền các ông phải hiểu được bác Đồng là ai chứ! Nếu là bác Đồng mà các ông còn không chiếu cho bác ấy xem thì đất nước này nó còn ra làm sao nữa? Không mang phim lên chiếu cho ông xem là không được đâu". Kết quả ý kiến này của ông Thuỷ đã được họ tiếp thu.
Kế hoạch mang phim "Hà Nội trong mắt ai" lên chiếu cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng xem đã được Văn phòng Hội đồng bộ trưởng ấn định vào lúc 3 giờ chiều ngày 18/10/1983. Ông Thuỷ đề nghị với Giám đốc hãng phim, ông Bùi Đình Hạc cho được đi cùng. Ông Hạc trả lời "Không được đâu! Làm sao mà đi cùng được. Vào đấy qua “cổng đỏ”, người ta điểm danh đấy". "Anh Hạc ơi! Anh cứ cho tôi đi cùng vì tôi muốn nghe bằng chính cái lỗ tai của tôi xem Bác nói gì. Tôi thề với các anh rằng nếu Bác nói điều phải, điều đúng thì mình phải nghe, phải sửa chữa. Còn nếu mình có làm điều gì không phải thì chắc chắn là Bác cũng thương mà chỉ bảo cho mình thôi". Mặc cho ông Thuỷ nói hết lời như vậy, Giám đốc hãng phim vẫn không đồng ý. Không từ bỏ ý nguyện, gần đến giờ hẹn, ông lén ngồi sẵn vào ghế sau chiếc xe con lada màu trắng của hãng phim đang đậu bên bậc thềm và lẩm bẩm một mình: "Ngày xưa đánh nhau ở chiến trường khu 5, khẩu hiệu của chúng tôi là nắm lấy thắt lưng địch mà đánh. Nay tôi cũng phải nắm lấy thắt lưng anh thôi...". Kể đến đây với tôi, ông Thuỷ cười phá lên - nụ cười đầu tiên thoải mái hết cỡ xuất hiện trên gương mặt đã bắt đầu có vài nếp nhăn của ông, trong suốt hơn ba giờ đồng hồ mà tôi được gặp. Nước này, cuối cùng, Giám đốc hãng phim đành cho xe lăn bánh.
Đến Văn phòng Hội đồng bộ trưởng ở số 2 Bách Thảo, Hà Nội, không thấy ai ra kiểm tra danh sách mà chỉ có giọng người bảo vệ hỏi vọng từ trong chốt gác: "Xe nào đấy? " "Xe của xưởng phim vào chiếu phim cho Bác Đồng xem đây". Tiếng người bảo vệ lại vọng ra: "Vào đi! ". Thế là lọt. Ông Thuỷ bê 5 hộp phim vào ngồi chờ trong phòng khách. "Bác Đồng đang tiếp Phó Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên X ô, ông A -li-ep. Các anh chờ, một lát nữa bác xuống" - có người ra thông báo. Tự dưng Thuỷ bỗng thấy lo lo. Bác bận trăm công ngàn việc, liệu việc này có được bác thực sự quan tâm? Gần 30 phút sau bác xuống. Trời tháng 10, chưa lạnh lắm nhưng bác đã phải mặc chiếc áo khoác Tôn Trung Sơn màu đen bằng dạ. "Trông thấy chúng tôi, tự nhiên mặt Người đanh lại - ông Thuỷ kể - Người bực mình lắm”. "Muốn xem một bộ phim mà khó thế à? Nếu mà khó quá thì thôi tôi không cần nữa, tôi không phiền các đồng chí nữa" - Bác dằn giọng nói như vậy sau khi đã phải chờ đợi giờ phút này chừng nửa tháng rồi kể từ hôm đầu tiên bác yêu cầu hãng đem phim lên chiếu. Bác cứ chắp tay sau lưng đi đi lại lại trong sân mà không vào phòng chiếu. Hình ảnh này làm ông Thủy nhớ lại đoạn phim tư liệu ghi lại cảnh bác đi đi lại lại như thế tại Hội nghị Phông -ten-nơ-blô năm 1946. Linh tính mách bảo ông điều gì, rằng ông đang gặp may. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng bộ trưởng Nguyễn Việt Dũng đỡ lời cho đoàn làm phim rồi mời bác vào. Bác ngồi xuống một chiếc ghế mây. Đạo diễn Trần Văn Thuỷ đứng vòng tay trước mặt bác nghẹn ngào nói: "Thưa bác! Bác Cho phép cháu thay mặt anh em trong đoàn làm phim được bày tỏ lòng biết ơn đến bác. Cháu rất xúc động vì việc nước bận như vậy mà Bác vẫn bớt chút thì giờ... ". Nói đến đây ông Thuỷ nghẹn ngào, không cầm được nước mắt. "Cháu ngồi xuống đây! Cháu ngồi xuống đây! ". Nghe tiếng nói ân cần của bác, ông Thuỷ thấy mình được bình tâm trở lại. Bác mời nhưng ông Thuỷ vẫn chưa dám ngồi. Bác phải cầm tay kéo Thuỷ ngồi xuống bên phải mình rồi vỗ về an ủi. Bên trái bác là Giám đốc hãng Phim Bùi Đình Hạc. Phim bắt đầu chiếu. Sau mỗi một "chốt" phim như đoạn Tô Hiến Thành dùng người như thế nào, đoạn vua Lê Thánh Tông cho dựng đình Quản Văn trong có đặt trống Đăng Văn để dân chúng đến kêu oan ra sao, rồi đoạn nói về nỗi oan khuất của Nguyễn Trãi v.v..., bác lại nhổm dậy dịch chuyển ghế. Cứ thế, bác lặng lẽ lặng lẽ xem cho đến hết bộ phim.
Phim hết. Đèn trong phòng đã bật sáng. Bác vẫn ngồi, đầu vẫn cúi xuống, tay đặt lên trán, bất động. Tất cả mọi người xem phim đều cùng im lặng. Chỉ nghe tiếng chiếc quạt trần quay đều lạch phạch, tiếng nô đùa của chú cún con quanh chân bác. Một lát sau, Bác ngẩng đầu quay sang Đạo diễn Trần Văn Thuỷ, hỏi: "Những ai đã được xem phim này và họ đã nói những gì về nó? ". "Thưa Bác! Bác hỏi cháu thế cháu khó trả lời lắm. Vì nếu cháu trả lời bác thì có thể bác cho là không khách quan. Có rất nhiều người ủng hộ, tán thành cháu nhưng họ lại không có quyền phán xét gì về bộ phim này. Xin phép Bác để cho anh Bùi Đình Hạc là giám đốc của cháu được trình bày với Bác". Bác quay sang phía ông Hạc. Ông thưa lại: "Thưa đồng chí! Đây là bộ phim được các đồng chí có trách nhiệm đánh giá là một bộ phim có vấn đề, mượn xưa để nói nay. Đây là bộ phim không cùng Đảng để giải quyết những khó khăn hiện nay mà nuối tiếc những quá khứ phong kiến ngày xưa và gieo rắc vào thực tại quần chúng đảng viên những bi quan, hoài nghi và tiêu cực". Rất tiếc rằng đến lúc này mà ông Hạc vẫn không hiểu được bác Đồng đang nghĩ gì. Cuối cùng, ông Hạc nói: "Thưa Đồng chí! Những người có trách nhiệm kết luận rằng tác giả bộ phim này chỉ là một nghệ sĩ chứ không phải là một nghệ sĩ cách mạng". Bác hỏi: "Ai nói như vậy? ". Giám đốc hãng phim Bùi Đình Hạc nêu tên ba vị lãnh đạo cấp trên thời đó. Trong khi ông Hạc nói, ông Thuỷ như bị kim châm, cứ nhấp nha nhấp nhổm đứng lên, ngồi xuống, đến mức ông Nguyễn Việt Dũng ngồi bên cạnh phải vít vai mấy lần ông mới im lặng được. Đoạn bác quay sang ông Thuỷ: "Cháu có ý kiến gì nữa không? ". Ông Thuỷ đứng lên thưa: "Thưa bác, cháu đã nhường lời cho anh Hạc. Và anh Hạc đã nói những lời cháu không nghĩ như thế. Cháu chỉ muốn thưa với bác rằng: nếu bộ phim này có gì sai lầm thì đó chỉ là do lực bất tòng tâm chứ bụng dạ chúng cháu không nghĩ thế. Thưa bác! Khi chúng cháu đến mộ bà Đoàn Thị Điểm thì thực sự lúc này nó chỉ còn là một đống rác. Và chúng cháu đã phải thuê dọn cái đống rác này đi mất nửa ngày. Rồi xin một chút nước vôi quét lên tấm bia mộ của bà, mượn một số chậu cảnh quanh đó bày đặt quay phim để khỏi mang tội bất hiếu với tiền nhân...". Được ngồi bên Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc này, linh cảm mách bảo với Đạo diễn Trần Văn Thuỷ rằng: trong cơn bão tố cuồng phong mà mình đang đi, ông đã tìm được một cái hang an lành để trú ngụ. Đó chính là nơi này. Và tại đây, ông đang được nép vào được một lồng ngực rất rộng, đầy sự bao dung, che chở của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cuối cùng bác nói: "Tôi cũng không nghĩ rằng sự thể nó lại quan trọng đến mức này". Rồi bác phân tích cho mọi người hiểu đoạn nói về Nguyễn Trãi trong phim là có thật trong lịch sử và là nói về thân phận của Nguyễn Trãi chứ không chủ ý nói về Lê Lợi. Từng đoạn, từng đoạn khác như thế của phim cũng được bác phân tích rất cặn kẽ. "Tôi kinh ngạc về trí nhớ tuyệt vời của bác. Bác mới chỉ xem phim có một lần trong khi trăm công nghìn việc đang chờ đợi" - ông Thủy thốt lên với tôi. Rồi bác kết luận: "Ý kiến thứ nhất của tôi là: nếu đã là anh em cùng làm văn nghệ với nhau thì phải biết thương yêu, bảo vệ, bênh vực lẫn nhau. Các anh mà không biết bênh vực cho nhau thì còn ai bênh vực các anh? Ý kiến thứ hai của tôi mong các anh ghi nhận và anh Dũng ghi vào biên bản để gửi sang Văn phòng Ban Bí thư: Tổ chức chiếu công khai bộ phim này cho nhân dân xem, chiếu càng rộng càng tốt, càng nhiều càng tốt! Chiếu ngay lập tức! Nếu sau này phát hiện ra cái gì sai thì chỉnh sửa". Đoạn quay sang ông Thuỷ, bác lại ân cần cầm tay ông: "Bác dặn riêng cháu điều này: cháu phải nhớ, khi nào cần cháu phải gặp bác, tìm mọi cách mà liên lạc với bác. Chỉ có cháu mới chủ động chứ bác không thể chủ động liên lạc với cháu được".
Cũng nên nhớ lại rằng, vào thời gian đó, diễn ra một Đại hội nhà văn. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến dự và gửi lời chào đến các đại hội các hội văn học nghệ thuật khác (do Bác không có điều kiện đến dự). Nhưng, phải chăng do bức xúc trước cách đối xử của nhiều người đối với bộ phim này như thế mà sáng sớm ngày 20.10.1983, ngày khai mạc Đại hộ Hội Điện ảnh toàn quốc lần thứ II tại Cung Thiếu nhi, tức là chỉ 2 ngày sau khi bác xem phim "Hà Nội trong mắt ai", bác đã bất ngờ đến dự Đại hội này. Ngay từ phút đầu tiên, bác bước lên diễn dàn Đại hội phát biểu với hơn 500 nghệ sĩ điện ảnh toàn quốc. Bài nói chuyện không cần giấy tờ của bác kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ. Bác đã nói rất kỹ, rất mạnh mẽ, rất sâu sắc, về cách thức quản lý, lãnh đạo văn nghệ: "Đừng bắt tất cả các anh em văn nghệ sĩ hiện nay phải chui qua một cái lỗ kim, theo một khuân mẫu có sẵn! ". Đến bây giờ, những ai có dịp được tham dự Đại hội này hẳn đều còn nhớ hình ảnh đầy ấn tượng, lạ lùng của bác khi bác quay người lại, hướng về phía Chủ tịch đoàn Đại hội rồi chắp tay vái lạy họ và nói rằng: "Tôi lạy các anh! Tôi xin các anh! Khi duyệt phim thì cố gắng rộng lượng như tôi". Cả hội trường lập tức vỡ oà bởi những tràng vỗ tay dài không ngớt. Ai nấy đều hiểu Bác đang nói về điều gì. Với Trần Văn Thuỷ, hôm ấy là một ngày hạnh phúc đến tột độ. Không giấu nổi xúc động, ông bật khóc. "Một phần thưởng tâm linh, vô cùng cao quý hơn bất kỳ phần thưởng nào khác trong đời đã đến với tôi" - ông nói với tôi, nước mắt giàn giụa.
Từ đóT, bộ phim bắt đầu được công chiếu rộng khắp trong tất cả các cơ quan, các câu lạc bộ, các hội đoàn... cho các tầng lớp nhân dân xem. Hàng tuần liền, Rạp Tháng Tám và nhiều rạp khác ở Hà Nội tổ chức chiếu phim này ba ca trong một ngày thì trong cả ba ca chiếu, khán giả đã phải xếp hàng dài chen chân mới mua được vé. Nếu ở Việt Nam có ghi -net thì phải xếp bộ phim này vào hạng phim tài liệu " ăn khách nhất" từ trước đến nay. Đây là một hiện tượng khác thường vì cho đến lúc bấy giờ, phim tài liệu nước ta mới chỉ được chiếu "chùa", chiếu "kèm" vào đầu các buổi chiếu phim truyện, để tuyên truyền, cổ động. Tại Liên hoan Phim quốc gia tổ chức tại Đà Nẵng tháng 3/1988, bộ phim đã được bình chọn nhận giải Bông sen vàng duy nhất thể loại phim tài liệu. Ngoài ra tại đây, nó còn được bình chọn giải phim biên kịch hay nhất, đạo diễn hay nhất, quay phim hay nhất. Nhưng, có lẽ giải cao nhất, vinh dự nhất cho bộ phim này là giải phim tài liệu được nhiều khán giả xem nhất. Mới hay ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng "cứu" bộ phim “Hà Nội trong mắt ai”, "cứu" đạo diễn của nó hồi ấy thật là sáng suốt và kịp thời. Và cũng từ đó ông Thuỷ bắt đầu bớt dần được những giấc ngủ thắc thỏm, những cơn ác mộng hằng đêm. Ngay sau hôm được gặp Bác Phạm Văn Đồng, ông Thuỷ ra một hiệu sách ở Bờ Hồ mua một tấm ảnh chân dung cỡ lớn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cất giữ cẩn thận. Ngày Bác mất, ông lập một ban thờ riêng, treo ảnh Người lên thờ và để tang Bác trọn ba năm...
Nhưng chưa hết. Phải đến khi đồng chí Nguyễn Văn Linh lên làm Tổng Bí thư, bộ phim và ông Thủy mới thực sự được “cứu sống” hoàn toàn. Cũng nên lưu ý một điều: nếu so với “Những việc cần làm ngay” hay những gì mà Đảng và Nhà nước ta thực hiện “cải tổ”, “đổi mới”, những sự kiện “bùng phát” ở Báo Văn nghệ, “đời” Tổng Biên tập Nguyên Ngọc, như hàng loạt bài viết về khoán 10, khoán 100, về cải cách ruộng đất, về “Cái đêm hôm ấy đêm gì?”..., hoặc xa hơn nữa là sự kiện văn chương tiểu thuyết “Cù lao Chàm” của Nguyễn Mạnh Tuấn hoặc hàng loạt vở diễn chấn động dư luận của Lưu Quang Vũ thì, về mốc thời gian, bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” “đi trước thời đại” sớm hơn cả. Tiếp chuyện tôi, ông Thủy cho hay: Có lần ông nhận được một lời đề nghị ông viết đơn và làm hồ sơ để có thể được xét duyệt trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về bộ phim này. Ông khước từ lời đề nghị: “Tôi không bao giờ làm đơn vì việc này!”.

"Thưa các bác! Cháu nghĩ rằng nếu bộ phim này nó hay, được các bác tán thưởng, được ai đó chia sẻ, bảo vệ như Bác Phạm Văn Đồng thì cũng chẳng phải riêng tại cháu mà đấy là những vấn đề lịch sử do tiền nhân dể lại. Mà nếu bộ phim này có làm ai đó bực mình, khó chịu, thậm chí phẫn nộ thì lỗi cũng không phải tại cháu. Cái hay, cái dở căn cứ vào lịch sử, cháu chỉ là người trình bày, sắp xếp những điều có thật đó, may ra có ích gì đấy cho hiện thực cuộc sống, xứng được với tiền nhân..." (trích bài nói chuyện của Đạo diễn Trần Văn Thuỷ tại cuộc gặp mặt với gần 1200 cụ cách mạng lão thành tại Câu lạc bộ Thăng Long, Hà, Nội năm 1983).
Hà Nội, 12.2006

Thứ Tư, 4 tháng 2, 2009

Phỏng vấn một người không còn muốn vào Đảng


Đó là nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo, phóng viên thường trú báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh tại Hà Nội, tác giả của 7 cuốn truyện ngắn và 2 cuốn tiểu thuyết mang tựa đề Giàn thiêu và Kịch bản phim đang gây sửng sốt cho độc giả yêu văn chương

Chị đã từng được mời vào Đảng?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Đúng vậy! ấy là vào năm 2002, khi tôi nhận được lời mời của Bộ trưởng, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số kế hoạch hoá gia đình Trần Thị Trung Chiến và Tổng biên tập báo Gia đình và xã hội Trần Quang Quý về làm Phó tổng biên tập báo này. Trước khi từ vị trí Trưởng Văn phòng đại diện báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh tại Hà Nội về đây, tôi đã lường trước một điều mình không là đảng viên, chưa chắc cấp trên đã chấp thuận bổ nhiệm cho mình làm công việc này. Tôi đã định từ chối, nhưng họ chủ quan nói: “Có nhiều người không là đảng viên mà vẫn được giữ chức phó tổng biên tập, thậm chí tổng biên tập đấy thôi!”. Hồi đó tờ báo này đang rơi vào tình trạng cực kỳ khó khăn. Tôi cũng chưa hề bao giờ bước chân tới đó, chỉ định bụng tâm niệm một điều muốn về đây cùng mọi người vực tờ báo này lên. Tôi về đây được ba tháng, mọi thủ tục bổ nhiệm tôi giữ chức Phó tổng biên tập báo này gần như đã hoàn tất, kể cả việc lấy ý kiến tán thành của tất cả 100% anh chị em trong toà soạn, chỉ còn chờ sự phê duyệt của Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương là xong. Nhưng đến đây vấn đề bị “ách” lại vì tôi không là đảng viên (!?). Trước tình hình này, các cấp uỷ Đảng ở đây có lời đề nghị tôi nên chấp thuận vào Đảng nhưng tôi đã một mực từ chối: “Tôi không vào Đảng để chỉ đổi lấy một cái chức. Nếu mà vào Đảng như vậy thì rất là cơ hội, rất là tồi. Nếu mà quyền lực chỉ để phân phối cho những đảng viên thì Đảng chỉ thu hút được những kẻ cơ hội, những kẻ chỉ vì một miếng mồi lợi, vun vén cho bản thân mình mà thôi! Và như thế thì Đảng sẽ suy yếu, sẽ mọt ruỗng từ bên trong, từ tâm hồn, hành vi của mỗi đảng viên”. Tôi không muốn làm một người như thế. Có những lúc nhiều người đã mời tôi đến cùng ăn với họ một bữa cơm để vận động tôi nên vào Đảng. Tôi rất cảm ơn họ và thật cảm động vì thực sự là họ vì quyền lợi của tôi. Họ nói: “Hảo cần phải ngồi vào một vị trí có quyền lực. Những người như Hảo ngồi vào chức vụ đó thì những kẻ cơ hội sẽ không thể chen chân vào đó được”. Cho đến tận giờ tôi vẫn thầm cảm ơn họ. Có lúc tôi cũng định đồng ý vào Đảng cho xong vì thực sự muốn quản lý một tờ báo, muốn làm cho nó phát triển thì mình phải có một vị trí, một chút quyền lực nhất định mới có thể làm được. Nhưng tôi không thể tự lừa dối lòng mình được.
Đấy là lúc chị phải lựa chọn chấp thuận hay không cái sự cái sự vào Đảng để “đánh đổi” lấy quyền lực, như chị nóí. Thế còn trước kia?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Bố mẹ tôi là những người cộng sản nòi. Bố tôi tham gia Cách mạng đồng chí Hội từ năm 1929, là đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1931 cho đến bây giờ. Mẹ tôi vào Đảng từ năm 1934, là đảng viên mãi cho đến lúc cụ mất. Các anh em ruột của bố mẹ tôi đều là những người khá giả và đều đã từng bỏ tiền nhà mình ra để hoạt động cách mạng. Và thời đó, họ đã hy sinh cho một lý tưởng, lý tưởng giải phóng cho những người bị áp bức, bóc lột, đem lại công bằng, tự do cho xã hội. Thời đó, đa phần những trí thức cũng vậy. Còn bây giờ thì khác, bây giờ vào Đảng là... Tôi không phê phán gì ai vào Đảng mà theo tôi, bây giờ vào Đảng là tự dối chính mình. Phải sống làm sao để mình trọng được mình. Đấy mới là quan trọng. Nếu bản thân mình không trọng mình thì mình sẽ không yêu mình được. Không yêu mình được thì không thể yêu người khác được.
Rất nhiều người trong làng báo cũng như đông đảo bạn đọc ghi nhận chị là người đã từng có những đóng góp đáng kể trong việc lấy lại công bằng trong xã hội. Chị nghĩ sao về ý kiến: Nếu vào Đảng thì chị sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục sự nghiệp đấu tranh này? Hay nói một cách khác là sao chị không nghĩ rằng ta nên vào đội ngũ ấy để chiến đấu hiệu quả hơn trong việc làm trong sạch Đảng cũng như phục vụ ngày một tốt hơn cho lợi ích cộng đồng?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Có nhiều người kể cả những người trong Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo trung ương) đã từng nói với tôi như vậy. Tôi cảm ơn họ. Tuy nhiên, tôi không thể vào Đảng để đấu tranh cho sự trong sạch của Đảng trong khi bản thân tôi lại dối lừa tôi. Bình thường tôi không vào Đảng. Đến khi chỉ vì cái chức Phó tổng biên tập một tờ báo mà tôi vào thì rõ rằng là tôi bắt đầu bằng một sự lừa dối. Đương nhiên là nếu vậy, tôi sẽ phải ra đi khỏi Đảng bằng một sự lừa dối khác mà thôi. Tôi không làm như vậy. Thực ra tôi nghĩ: ta vẫn có thể sống một cách đàng hoàng, đóng góp cho đất nước này, cho nền tự do này, cho sự công bằng này mà không cần cứ phải đứng trong hàng ngũ của Đảng. Còn ai đứng vào đó thì đấy là quyền tự do của họ.
Chị có nghĩ là chị không vào Đảng thì có người nghĩ rằng tình cảm của chị đối với Đảng không được mặn mà, trong sáng cho lắm không?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Tôi nghĩ tất cả đều phải căn cứ vào hành vi của mình. Mọi cái ở trong đầu người ta, mình không thể võ đoán được. Tôi không làm gì trái pháp luật cả. Tôi phấn đấu cho sự công bằng xã hội bằng công sức nhỏ nhoi của mình.

Có một lúc nào đó chị đã từng muốn vào ĐảngC?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Có đấy! ấy là thời còn chiến tranh. Đó là khi mà lớp tôi, lớp chuyên văn, lớp đặc biệt của tôi ở Nghệ An có nhiều người đã viết đơn bằng máu xin ra trận. Và thời đó tôi thấy thực sự xung quanh mình, có nhiều đảng viên sống thật là tốt. Họ đã hy sinh quyền lợi riêng của mình cho sự nghiệp chung. Thanh niên hiện nay cũng vậy, họ vẫn khao khát lý tưởng, khao khát một cái vầng tươi đẹp nào đó ở trên đầu mình chứ không phải chỉ vì miếng ăn như một số người nghĩ đâu. Họ cần có những tấm gương, cần no đủ về mặt lý tưởng. Con người ta tại sao lại tìm đến tôn giáo vì họ đói, đói khát về tinh thần, về lý tưởng. Và hiện nay còn có nhiều người dám hy sinh bản thân cho cái chung, cho đất nước, cho nền tự do, cho sự trong trẻo của cuộc sống.
Chị có cho rằng tình cảm đó của chị đối với Đảng hồi ấy chỉ là sự bột phát, theo phong trào không?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Tôi thấy cái gì đẹp thì nên theo. Hồi đó rõ ràng tôi thấy có nhiều người không nghĩ đến quyền lợi bản thân. Thời bố mẹ tôi cũng vậy. Còn bây giờ, những ông quan tham nhũng kia hiện nay thì đa phần là đảng viên, những người nói dối hiện nay đa phần là đảng viên. Bởi vậy tôi không muốn đứng vào hàng ngũ đó. Tôi nghĩ, như thế tôi vẫn có thể làm được những điều gì tốt cho đất nước này. Bởi vậy, cho nên Đảng mà muốn mạnh thì đừng có dùng quyền chức để mà ban phát cho đảng viên. Cũng như nếu muốn giữ một đứa con thì đừng có dùng kẹo mà dỗ nó. Khi con đã lớn rồi thì phải dùng sự trung thực mà dạy con, phải dùng chính sự gương mẫu của bản thân mình.

Thưa chị! Vị trí của Đảng trong lòng chị hiện nay thế nào?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Thực sự tôi không quan tâm đến điều đó. Điều gì Đảng làm đúng thì tôi ủng hộ và ngược lại điều gì Đảng làm sai tôi không ủng hộ.
Thế còn sự phục tùng?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Phục tùng ấy à? Phục tùng thì, đấy, phục tùng theo cái đúng. Còn tất nhiên, một khi một người nào đó nói họ đại diện cho Đảng đây mà thực sự chỉ đại diện cho những sự vụ lợi cho họ thôi thì tôi không theo. Chẳng hạn như ông Bùi Tiến Dũng, khi ông ấy làm Bí thư đảng uỷ cơ quan PMU 18, tất nhiên ông ấy đại diện cho Đảng rồi, nhưng, nếu tôi là một nhân viên của ông ấy thì tôi sẽ không theo ông ấy đi cá độ bóng đá.
Nếu như tôi hay ai khác
nghĩ rằng vào Đảng đồng nghĩa với việc có được một công cụ hữu hiệu để ta có thể thực hiện được một số ước muốn, hoài bão của mình. Không ngoại trừ trong đó có những ước muốn rất đẹp, rất cao thượng. Nếu như vậy thì vào đảng - tại sao không?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Tôi nghĩ đấy là tự an ủi mình mà thôi! Rất nhiều khi tôi cũng muốn tự an ủi mình như vậy. Trong các cuốn sách của chị, có chỗ nào dành cho hình ảnh người đảng viên hiện nay?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Tôi không quan tâm.
Cả những hình ảnh tích cực của họ?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Không! Bố mẹ tôi là đảng viên thời trước, đã từng hy sinh vì một lý tưởng. Và nếu tôi sống thời đó cũng làm như vậy. Còn nếu tôi có bố mẹ là những đảng viên như những tham nhũng kia hiện nay thì tôi sẽ nhục nhã vì họ.

Trong đời chị có hay gặp những sự bất công, đè nén, thua thiệt nào không?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Có chứ! Nhiều chứ!
Có nguyên nhân từ một vài đảng viên hay tổ chức Đảng nào không?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Tôi thấy các chi bộ Đảng hiện nay là thủ tiêu đấu tranh. Nói là phê và tự phê đấy những nó hầu như không còn nữa.
Chúng ta đi xa hơn một chút: theo chị vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội ta hiện nay ra sao?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Tôi nghĩ nó bị giảm sút đi rất nhiều. Có thể lãnh đạo xã hội bằng những quyền lực hành chính, vật chất. Cũng còn có thể lãnh đạo xã hội bằng quyền năng tinh thần. Đảng không phải là người trực tiếp cầm quyền lực vật chất mà đấy là thuộc về Nhà nước. Thế nhưng mà cái vấn đề của một Đảng có lãnh đạo tốt được hay không thì đó là do quyền năng tinh thần. Quyền năng này chỉ được tạo bởi uy tín của Đảng. Làm sao để người ta yêu cái đảng đó, thấy thực sự đấy là những cái đẹp và tất nhiên là cũng không thể nói suông mà phải đem đến no ấm cho người ta, đem đến công lý cho người ta. Không thể dùng đòn roi, áp bức, tù ngục mà tạo ra quyền năng tinh thần mà nó phải được tạo ra từ cái đẹp của lương tâm. Cũng như nếu xử tử một cuốn sách thì cuốn sách ấy sẽ sống mãi.
Đảng ta vẫn thường nêu cao quan điểm vì dân, do dân. Nếu trong thời gian tới Đảng thực sự cải tổ tốt, chắc là chị sẽ vào Đảng?
Nhà văn Võ Thị Hảo: Làm sao để tôi vào tổ chức nào tôi phải tự hào về tổ chức đó. Tất cả mọi cái chỉ là phù du. Vấn đề là làm sao sống để mình có thể yêu được chính mình. Tôi luôn luôn muốn nhìn thấy hình ảnh đẹp của những người xung quanh. Và nếu ai đó để tôi thấy họ ngày một xấu đi, hèn hạ, giả dối đi, tồi tệ đi đến mức không thể tha thứ được nữa thì tôi, chính tôi không còn muốn nhìn họ nữa và tôi sẽ ra đi như đã từng ra đi như thế, không như những người khác kiện cáo để đánh bật họ.
Cảm ơn chị!
Trần Ngọc Kha thực hiện

Thứ Ba, 3 tháng 2, 2009

Ở nơi bây giờ không còn có biển

… Lang thang… lang thang không chỉ kiếp ăn mày,
những hạt giống quý của rừng đậu xuống, mọc lên ở nơi bây giờ
không còn có biển.
Nhưng tôi chẳng thấy có bài hát nào ngợi ca kiếp ăn mày
dù kiếp này còn hơn chán vạn những kẻ tôi đòi không bê tha
rách rưới.
Tôi chỉ thấy phù sa đọng đầy khoé mắt các nhà thơ, các nhà nhạc sĩ…

Cứ như là ngủ một giấc bốn nghìn năm thức dậy, phù sa bồi thành
Hạc - ngã - ba - sông, thành “Kinh tế đồi rừng”, thành ống
khói, thành những mảnh đồng 5-10 tấn lúa bội thu…

Nhưng tôi xót lắm những hạt mưa, những hạt ngưng của biển.
Nhưg tôi khát lắm những hạt mưa, những hạt ngưng của biển.
Nào đâu phải chúng rót xuống hoài công cho những công trình
theo sông, theo biển.

Vẫn thế! … Lang thang… lang thang không chỉ kiếp ăn mày, những
hạt giống quý của rừng đậu xuống, mọc lên từ nơi bây giờ
không còn có biển
Và mưa trôi phù sa đi đâu?
Không thể ngược dòng đưa phù sa trở về chốn cũ
Càng không thể yên nhìn những cảnh dã tràng xe cát biển Đông
Những hạt mưa vẫn cứ rơi rơi
Đất vẫn nghìn năm nhoài ra phía biển
Bồi mới những vùng Hạc - ngã - ba - sông
Riêng giấc ngủ bốn nghìn năm vẫn chìm trong ảo mộng

Đồ đá
Đồ đồng
Đồ không còn là đồ nữa
Âu cũng bởi tại trong ta còn ý nghĩ: Không phải mất tiền!
Mấy ai còn nghĩ: Không được mất tiền!

Ôi! Phù sa đắt quá
Thì hãy cầm lên
Mà bỏ xuống.

Việt Trì, tháng giêng năm 1990
Trần Ngọc Kha

Hút chết trong rừng Phúc Lợi

Trần Ngọc Kha
Sâm sẩm tối vẫn không tìm thấy lối ra. Đói, khát và lo lắng đã khiến hai chúng tôi gấn như tuyệt vọng. Hoang mang nhất là lúc được chủ rừng Phùng Văn Tuấn cho biết nếu như phải ngủ lại trong rừng nguyên sinh này đêm nay thì điều đó gần như là đồng nghĩa với cái chết đang cận kề…
Ấy là chuyến đi điều tra vụ lâm tặc phá rừng nguyên sinh xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái theo đơn tố cáo của ông Phùng Văn Tuấn, chủ rừng và nguyên là quyền Chủ tịch UBND xã Phúc Lợi, diễn ra từ cách đây vài năm. Theo ông Tuấn, những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI ấy, hàng trăm héc ta rừng phòng hộ, rừng tự nhiên ở đây đã bị tàn phá nghiêm trọng dưới sự bao che, dung túng và làm ngơ của nhiều thế lực. Trong khi đó, có những người như ông Tuấn kiên quyết giữ rừng bất chấp hiểm nguy thì lại bị trù dập, thậm chí bị khai trừ đảng một cách vô nguyên tắc. Để có thể tận mắt nhìn thấy thảm cảnh này, chúng tôi quyết định theo chân ông Tuấn vào rừng.
Tinh mơ, đoàn chúng tôi xuất phát. Chủ rừng Phùng Văn Tuấn đã thông cảm cánh nhà báo “thư sinh” chúng tôi mà nhận mang vác hết mọi thứ những là đồ ăn, thức uống… cho cả đoàn. Mỗi người chúng tôi chỉ phải sắm cho mình độc có chiếc gậy trúc để đi đường. Rừng nguyên sinh Phúc Lợi đã hiện ra trước mặt sau vài giờ đi bộ mà không ai hay biết. Là vì nó trống trơn, chỉ rặt có những là cây bụi lúp súp, lưa thưa, xen kẽ giữa những tán cây tái sinh mới nhú cao hơn một tầm với. Hiếm hoi lắm mới bắt gặp đôi ba cây lưng lửng cao, thân to lắm cũng chỉ rộng chừng hơn nửa vòng tay người ôm mà thôi. Ông Tuấn khoát tay một vòng nói: “Trước đây, toàn bộ chỗ này chỉ có những cây to gỗ quý nhóm 1, nhóm 2, vài ba người ôm không xuể. Thỉnh thoảng còn nghe thấy tiếng chim, tiếng lợn rừng, tiếng nhím…”. Yên tĩnh quá! Sau trận mưa đêm qua, đường rừng trơn trượt, khiến chúng tôi cứ phải đi xiên, đi ngả như làm xiếc. Quá trưa, nơi chúng tôi cần đến đã hiện ra trước mặt. Thấy có người lạ, tất cả những âm thanh chặt cây, xẻ gỗ, cả những tiếng rì rầm của đám thợ đều im bặt tản ra xung quanh, bỏ mặc lại chỏng chơ những đồ nghề cùng những khúc gỗ cưa, chặt còn dang dở. Mùn cưa vãi ra vàng ươm từng chỗ. Tôi nín lặng quan sát. Đâu đó lấp ló vài cái đầu nhô ra từ những bụi cây, những khúc ngoặt con đường, từ dưới khe suối cạn… Họ cũng nín lặng nhìn chúng tôi, vẻ dò xét. Đi tiếp, chúng tôi lại bắt gặp một tốp thợ khác. Cũng những cảnh tương tự diễn ra. Tôi đếm vội hết cả bàn tay những thân cây bị hạ rồi lấy máy ảnh ra chụp lia lịa. Vừa chụp vừa canh chừng biết đâu từ một góc rừng nào đó, lại có những cái lao nhọn hoặc một cục đã được lao, được ném về phía mình. Như hiểu được nỗi lo của cánh nhà báo chúng tôi, ông Tuấn liếc ngang, liếc dọc canh chừng.
Lại đi tiếp. Đồng hồ điện thoại di động đã báo chứng tôi đã đi như thế được.hơn 10 tiếng đồng hồ. Lúc này, tôi đã thực sự thấm mệt. Lại đói nữa vì trưa nay tôi không thể nào nuốt nổi những món ăn mà ông Tuấn chuần bị do không hợp khẩu vị. Cái ống nứa chứa nước đun ban nãy giò cũng đã cạn kiệt trong tay tôi. Trời đang ngả về chiều. Rừng trúc đã hiện ra thật là ngoạn mục. Xung quanh toàn là trúc, xanh ngăn ngắt, nghiêng nghiêng dọc các triền đồi. Trong lúc đang mê mải ngắm nhìn không chán mắt vẻ đẹp trời phú này thì Ông Tuấn cất tiếng: “Các ông ơi! Hình như chúng ta bị lạc rồi thì phải”. Tôi thảng thốt trong cái nhìn ngoái lại với ông Tuấn: “Chết! Ông là chủ rừng cơ mà”. Dường như cùng một lúc, Lưu Anh Đoàn - một đồng nghiệp đi cùng bị ngã đánh roạt. Toàn thân anh nèm ẹp xuống một phiến đá rêu phủ ướt nhoẹt. Tôi chợt nghĩ dại, nếu lúc này mà Đoàn bị làm sao thì… May cho anh ta, may cho chúng tôi, Đoàn không sao. Nhưng, cảm giác thất vọng, buồn chán thực sự chỉ bắt đầu đến với tôi khi ông Tuấn vô tình thốt lên một điều: nếu phải ngủ lại đêm nay trong rừng thì cầm chắc là… chết. Cói thể chết rắn rết, vì gió máy, hoặc vì bất cứ một sự đe doạ nào có thể xảy ra do không thể tự mình bảo về được.
Tôi ngồi bệt xuống một mô đất, mặc cho ông Tuấn xoay xoả, cũng như phó mặc cho số phận đưa đẩy. Mệt đứt hơi đến mức không ai trong đoàn còn muốn nói chuyện gì với ai. Trời cứ sầm sập tối. Ông Tuấn giục chúng tôi thử đi tiếp theo một hướng. Vẫn vô vọng. Chúng tôi cứ loay hoay, luẩn quẩn mãi đến gần một tiếng đồng hồ trong cái rừng trúc mà lúc đầu với tôi thơ mộng bao nhiêu thì bây giờ vỡ mộng bấy nhiêu. Bao nhiêu ý nghĩ, cảm xúc cứ thế trào dâng trong tôi. Ân hận nhất là tôi đã chót rủ Đoàn đi, để rồi cùng tôi lâm nạn. Chúng tôi bắt đầu nghĩ đến cái chết. Thế rồi…
May thay phúc nhà tôi còn to lắm, từ trong khoảng tối nhờ nhờ cách tầm tay với, tiếng của Tuấn lại cất lên, lúc này to như lệnh vỡ: “Thấy rồi! Thấy rồi!”. Chúng tôi đều nhổm cả người đứng dậy, reo lên ầm ĩ, váng cả một góc rừng. Thế là sống rồi! Sống rồi! Hai chữ này cứ thế choán ngợp trong ý nghĩ, thôi thúc tôi cố lê bước bám theo ông Tuấn. Thế nhưng, cha mẹ ơi! Lại một cái thông báo điếng người vẫn phát ra từ miệng ông Tuấn: “Nhưng mà vẫn còn đến gần chục cây số đường rừng nữa cơ!”.
Chúng tôi vượt qua gần chục cây số đường rừng này gần như hết cả đêm. Đầu tiên thì đi như thường lệ, rồi nghỉ. Lại nghỉ. Cứ chốc lại phải nghỉ. Khoảng một cây số cuối cùng, thỉnh thoảng tôi đã phải bò lê lết mới có thể hoàn thành.
Tôi đã thoát chết - đó là một sự thực may mắn, tất nhiên. Nhưng may hơn thế là tôi đã lĩnh hội được một bài học về niềm tin vào ý chí con người có thể làm được tất cả, vượt qua được tất cả…
T.N.K

Hỏi chuyện “Nữ tướng” dẹp loạn vụ "Thủy cung Thăng Long" năm xưa


Sau nhiều can dự đưa ra ánh sáng không ít những dự án “có vấn đề” như vụ Thuỷ cung Thăng Long, vụ xẻ thịt Công viên Thống nhất và nay là vụ xây Trung tâm thương mại ở khu chợ 19.12, góp phần không nhỏ “hạ gục” được đến cả một Phó thủ tướng Chính phủ, một Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội…vì họ dính vào tiêu cực, Kiến trúc sư cảnh quan Trần Thanh Vân được nhiều người quý trọng mà “phong” cho bà là “Nữ tướng”. Bà chỉ nhận mình là người “Thấy việc gì đúng, thích thì làm, làm đến cùng, bất chấp tất cả, thế thôi!”.

Ở vào tuổi gần 70, nay bà có thể an nhàn hưởng thu, tĩnh dưỡng và điền viên tuổi già với gia đình, bạn bè như bao người khác. Nhưng bà vẫn theo đuổi một lối rẽ…?
KTS Trần Thanh Vân: Mất đồng tiền, mất miếng ăn, mất chỗ chơi với tôi không phải là mất. Nhưng mất mặt, mất danh dự, mất những gì mà tôi cho là thiêng liêng, đó mới là mất. Vì thế trong một loạt cơ hội, tôi đã chọn những cơ hội đó. Trong tôi, danh dự là nhất, cái danh dự thật chứ không phải là hão. Tôi muốn chứng minh rằng tôi suy nghĩ đúng, hành động đúng, sống đúng. Trong cả cuộc đời làm việc, tôi đã gặp không ít những việc mình không tán thành, không hài lòng, nhưng trước nhiều sức ép, trước mắt có thể mình phải tạm quay mặt đi, nhưng một khi tôi nhận thức rằng là việc đó cần phải được nhìn nhận lại hoặc được vạch trần sự thật thì tôi quyết chờ, dù là 5 năm, 10 năm tôi vẫn làm.
Để làm gì, thưa bà?
KTS Trần Thanh Vân: Tôi thấy niềm vui vì mình đã làm đúng. Đơn giản vậy thôi! Ví dụ như chuyện phong thủy. Từ bé, tôi đã lờ mờ nhận ra đây là chuyện rất hay và rất đúng, cho đến lớn tôi luôn để tâm tìm hiểu nó. Nhưng tôi rất hay gặp những luồng tư tưởng được cho là “cách mạng”, hay còn gọi là “tiến bộ” can thiệp khiến tôi buộc lòng phải tạm gác nhưng chuyện đó lại. Cách đây chừng một năm thôi, bàn về Dự án Thành phố ven Sông Hồng, Báo Vietnamnet đã đăng một bài viết của tôi có nội dung gợi ý phải xây dựng Hà Nội theo thuật phong thủy, kèm theo một lời đề dẫn: “đây là ý kiến riêng của tác giả, để độc giả tham khảo”. Ngay báo ĐS&PL năm nay cũng đã đăng cho tôi một bài về vấn đề này. Nay thì cả nước, thậm chí cả một số người có trách nhiệm cũng đã bàn đến một Hà Nội phong thủy phải như thế nào. Trong loạt những bài tham luận trên Vietnamnet về việc xây dựng trung tâm thương mại ở Chợ âm phủ 19.12 ở Hà Nội, cũng đã có bài viết khẳng định: nếu cho xây cái gọi là Trung tâm thương mại kia ở đây thì cùng với sự hiện diện của cái Tháp Hà Nội cao lớn kia, chúng sẽ “đè” bóng lên một loạt những cơ quan tư pháp như Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội và Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Như thế thì công lý còn gì? - bài viết đặt câu hỏi. Như vậy, nếu bây giờ mọi người nghe theo, làm theo tôi về thuật phong thủy kia thì rõ rằng là tôi đã nói đúng, là tôi có một niềm vui.
Bà có phải gồng mình lên từ bé đến giờ về những việc như thế này không?
KTS Trần Thanh Vân: Không! Tự tôi có một niềm vui như thế. Thế thôi! Cái đó rất khó có thể giải thích. Vấn đề là phải kiên trì. Trong tôi có hai mặt tưởng chừng mâu thuẫn, nhưng lại rất thống nhất. Nhìn bề ngoài mọi người tưởng rằng tôi là người rất hấp tấp, nóng vội, nhưng thực chất tôi lại có tính kiên trì rất kỳ lạ. Năm học lớp 7 (cuối cấp hai ngày trước), có lần gặp một bài toán dựng hình rất khó, qua một người tôi nhờ giáo sư Lê Văn Thiêm chỉ bảo nhưng ông chỉ chứng minh cho tôi là bài toán có lời giải, mà không giải cho tôi. Tôi đã phải nhiều đêm bật dậy với bài toàn này và cuối cùng đã giải được nó. Đã có tờ báo nói tôi có tính hiếu thắng. Đúng vậy! Tôi “hiếu thắng” không phải vì danh lợi cho riêng mình tôi.
Bà có bao giờ để ý đến xung quanh người ta nghĩ gì về mình không?
KTS Trần Thanh Vân: Tôi không nghĩ gì. Một khi nghĩ mình đang hành động đúng thì tôi không cần biết người khác nghĩ gì về mình như thế nào. Nếu nghĩ thế thì không làm gì được nữa.
Nhưng bà không thể sống mà không có bạn, hay những người thân xung quanh…
KTS Trần Thanh Vân: À, vì thế mà nhiều khi tôi phải nén lại để mà… đỡ rắc rối. Ngay cả trong gia đình, không phải ai cũng đồng tình với tôi. Tôi cũng phải nén lại cho êm thấm.
Bà có hay gặp được những người đồng điệu, đồng cảm?
KTS Trần Thanh Vân: Cũng có. Đầu tiên là chồng, con, rồi đến những người thân khác… Nhưng mà cũng chỉ ở những góc độ này góc độ khác, chứ không phải là tất cả. Phải có người để chia sẻ chứ. Không chia sẻ thì làm sao sống được.
Có khi nào bà gặp hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm do những can dự này?
KTS Trần Thanh Vân: Chính trong khi tôi đang theo đuổi vụ kiện chống lại Dự án Thủy cung Thăng Long thì có tin đồn tôi sắp bị bắt. Bà bạn tôi là Thiếu tướng tình báo Hai Liên phải có lời nhắn: “Bình tĩnh! Nếu bị bắt, thả không về. Đừng ra ngoài đường vào lúc nhá nhem tối”. Tức mình tôi rủ chồng con đi chơi Đà Lạt hơn một tuần. Sau khi về lại có lời nhắn: “Bây giờ đã rõ ràng có hai phe rồi. Lúc này bà đi đường dù chỉ dẫm phải hòn sỏi bị trượt chân thôi cũng có người bị hỏi tại sao hại bà. Nhưng bà cũng phải cẩn thận”. Ít lâu sau, có người đến hỏi: “Bà nói thật đi. Bà có đất ở Phủ Tây Hồ không để tôi cứu bà? ”. “Tại sao anh phải cứu tôi? Nếu tôi có đất ở đó tại sao tôi phải giấu mặt? Nếu tôi có thì tôi đã ký vào giấy vào bức thư phản đối việc thực hiện dự án xây dựng “Thủy cung Thăng Long” gửi các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng với 106 hộ gia đình ở đây rồi chứ!”.
Xuất phát điểm để bà can dự vụ chống lại dự án xây dựng “Thủy cung Thăng Long”?
KTS Trần Thanh Vân: Vụ này do ai khởi xướng thì tôi không rõ. Chỉ biết trong khi nó bung ra, có một cuộc bàn tán của một nhóm người có cả công an và một số kiến trúc sư, họ đã nghi tôi là chủ mưu trong việc lập và thực hiện dự án này. Là vì, trước hết họ phán đoán đã là xây thủy cung, có chỗ chơi bời thì phải có một KTS vào cuộc. Tôi lại đang sống ở Phường Quảng An, nơi sẽ triển khai dự án. Tôi tên Vân, chồng tôi tên Thiện. Họ nghi Công ty Vạn Thiện (công ty gây án vụ này) ấy là tên ghép của vợ chồng tôi. Lê Tân Cương (giám đốc công ty này) học từ Nga về. Không biết đích xác con trai tôi tên gì, họ chỉ biết bố nó cũng có họ Lê và cũng đi học từ Nga về và họ nghi chắc Lê Tân Cương là… con tôi. Rồi họ cắt cử một người đích thân đến gặp tôi. Và, thế là tôi từ đối tượng bị nghi vấn bất đắc dĩ phải vào cuộc điều tra vụ này, vì danh dự, vì tôi là người có nghề. Tôi bèn về viết bức thư đầu tiên gửi Thủ tướng Phan Văn Khải. Thư không có hồi âm. Cái máu hiều thắng thời trẻ trong tôi nó lại nổi lên.
Trong vụ này, tôi có trong tay bức thư của ông Ngô Xuân Lộc, hồi đó chưa bị mất chức phó thủ tướng, viết và ký gửi lên Bộ Chính trị tố cáo tôi có đất ở Phủ Tây Hồ (như tôi đã đề cập ở trên) nên mới tham gia “đấu” vụ này, chứ tôi chẳng có vì dân, vì nước gì. Bức thư còn “tố” cả các KTS khác như Nguyễn Trực Luyện, Hoàng Phúc Thắng… có tư cách không ra gì. Sau khi đọc xong bức thư, tôi nói với mấy người anh em: “Tôi đề nghị các anh cho phép tôi được thể hiện cái oai của “Sư tử Hà Đông”. (Tôi là người quê ở Hà Đông mà)”. Ngô Xuân Lộc đã nhầm! Tôi lập tức viết ngay cho ông Lê Minh Hương, lúc bấy giờ là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), đề nghị cho điều tra ngay việc này. Và họ đã tiến hành điều tra từng phân đất ở khu vực Phủ Tây Hồ. Đến mức độ, đêm đêm bà con ở đây kéo nhau từng nhóm, từng nhóm mà chỉ có từ 2-3 người một đến thăm tôi, canh chừng tôi bị bắt lúc nào không biết.
Xâu chuỗi tất cả những can dự đấu tranh chống tiêu cực của bà, từ vụ Thủy cung Thăng Long, đến vụ xẻ thịt Công viên Thống Nhất và nay là vụ xây Trung tâm thương mại 19.12, những yếu tố nào giúp bà làm được những việc “tày đình” như vậy mặc dù bà chỉ là một phụ nữ bình thường không chức tước, địa vị, tiền bạc…?
KTS Trần Thanh Vân: Như trên đã nói, thấy đúng, thấy thích thì tôi làm. Tôi còn có vốn hiểu biết, lòng tự tin, và… một chút hiếu thắng nữa. Thời cải cách gia đình tôi đã từng bị quy kết nhầm là phản động. Khổ hàng năm trời vì cái án này là thế, đếm mức tôi phải vừa đi học, vừa phải đi bán xôi sáng, nhưng mẹ tôi vẫn nói với các anh chị em tôi bằng giá nào cũng phải học. Bây giờ, rất tiếc là cái sự học này ở nhiều gia đình hiện nay không được coi trọng là mấy, lại cứ đổ rặt cho xã hội, cho nhà trường…là thế này, thế nọ. Ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng tôi không bị bất kỳ một kẻ nào lôi cuốn trong mọi hoàn cảnh. Và, tôi còn có gen các cụ để lại nữa. Cụ đồ nho Phan Điện, cụ ngoại của tôi, nổi tiếng ở Hà Đông về văn “chửi” bằng chữ nho. Quan khâm sai đại thần Hoàng Cao Khải của Triều đình Khải Định từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy của nhân dân ta chống thực dân Pháp. Cụ chửi hắn là một tên nghịch tặc bằng một câu đối chữ nho phơi giữa bàn dân thiên hạ.
Xin cảm ơn và kính chúc bà mạnh khỏe!
Trần Ngọc Kha thực hiện

Việt Nam cũng có thể có một “Damo Weaver”, nhưng…

Đó là tên của một cậu bé 10 tuổi học lớp 5 ở trường tiểu học Canal Point của nước Mỹ. Cái tên - hiện tượng Damo Weaver đã và đang được nhắc đến nhiều trên báo chí Mỹ và trên thế giới trong thời gian qua vì cái sự: cậu này đề nghị được phỏng vấn vị Tổng thống mới đắc cử Obama. Theo Đài phát thanh NPR, bản thân cậu bé 10 tuổi này đã từng có cơ hội phỏng vấn phó Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, Caroline Kennedy và Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt tại trường quay ở chính ngôi trường cậu đang theo học KEC TV. Có thể đó là chuyện bình thường ở Mỹ và ở đâu đó trên thế giới, còn ở ta thì… PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, Chủ nhiệm Bộ môn Luật kinh doanh, khoa Luật, Trường Đại học quốc gia Hà Nội bày tỏ quan điểm về vấn đề này như sau:

Thưa ông, ông hiểu về sự việc này như thế nào?
PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Ngoài những câu hỏi ngây thơ của tuổi trẻ chắc là cậu bé này sẽ có những câu hỏi nghiêm túc, kiểu như: Ông Tổng thống nghĩ gì về thế hệ của chúng nó, ông sẽ nghĩ gì về môi trường, về môi sinh, về học hành và công ăn việc làm của thế hệ của nó… Ở tuổi lớp 5 thì mức độ lớn, bé còn đan xen, vẫn còn là trẻ con, nhưng cũng đã không thiếu những tư duy của người lớn. Khi đặt ra một chương trình muốn gặp ngài Tổng thống tức là mong ước của nó là muốn được gặp người có trách nhiệm, nói những vấn đề của người lớn, có trách nhiệm trong cuộc sống, là nó muốn tham gia vào đời sống chính trị, xã hội theo nghĩa rộng
Sự việc này đã nói lên điều gì, thưa ông?
PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Bất luận trẻ hay già, thế hệ nào người ta cũng có những lo âu, trăn trở về thân thế, về sự nghiệp, về sự tồn tại, trách nhiệm đối với xã hội, đối với quốc gia nói theo nghĩa rộng và đối với nhân loại theo nghĩa rộng hơn… Dù con nhà giầu hay nghèo, ở đâu đó cũng có những lấp lánh tinh thần trách nhiệm ở lũ trẻ. Đôi khi chúng tự vấn và từ cái tự vấn đó dẫn đến những hành động, những kế hoạch. Chăc chắn cậu bé này nó đã có những suy tưởng cần phải hỏi người lãnh đạo quốc gia thì nó mới đặt vấn đề phải phỏng vấn ông ta.
Có phải chỉ ở Mỹ mới có hiện tượng Damon Weaver?
PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Ồ không! Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, người lớn làm việc lớn. Tôi nghĩ ái quốc là thuộc tính của chung con người. Có những đứa bé bị khuyết tật ở Trung Quốc, giấc mơ giản dị của nó chỉ là được nhìn thấy và tham gia một buổi chào cờ ở Thiên An Môn. Nếu nhìn lại lịch sử kháng chiến của Việt Nam từ thời kháng Nguyên Mông cho đến cuộc Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền năm 1945 và cho đến tận bây giờ thì anh thấy yêu nước đâu phải chỉ là chuyện của người lớn. Nam phụ, lão ấu có cái gì thì dùng cái đó để chiến đấu. Tức không có nghĩa: Chí lớn chỉ là quyền của người lớn.
Ông có thấy trong việc này, trẻ con nước Mỹ nói chung và cậu bé này nói riêng có sự tự tin cao không?
PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Tôi sống ở Mỹ hai lần, sống ở Châu Âu nhiều hơn… tức là khoảng gần một nửa cuộc đời tôi đã sống ở Mỹ, Âu, Nhât. Có thể nói: Mỗi lối sống, mỗi dân tộc, mỗi nền văn minh sinh ra một kiểu giáo dục, mỗi kiểu giáo dục sinh ra mỗi kiểu ứng xử. Nếu cứ khen trẻ con Tây tự tin, chê trẻ con mình không tự tin thì có thể nhận xét này hơi hời hợt. Vì trẻ con ở đâu cũng giống nhau ở chỗ chúng thích khám phá. Chắc anh cũng có con nhỏ. Ngay từ khi còn bé, chúng đều muốn leo trèo, thể hiện bản năng muốn vươn cao, muốn nhìn xa. Ngay cả đứa bé nhà anh cứ được thả ra là nó leo thoăn thoắt lên cầu thang ngay. Cái đó nó thể hiện tâm lý của giống người nói chung là đang từ giống vượn bò nay được đứng lên thì tầm nhìn nó vươn cao. Khi đó thì anh mới nhìn xa được chứ. Về trẻ con ở Mỹ thì tôi có một câu thế này: Nước Mỹ quá lớn, để mà nói về nước này cái gì cũng có thể đúng mà cũng có thể sai. Nước Mỹ có bao nhiêu giống người, biết bao nhiêu nền văn hóa, có da trắng, da vàng, da đen… Nhìn chung các giống người này vẫn giữ được gốc văn hóa của họ. Vì vậy nói trẻ con ở Mỹ có cái gì là phổ quát thì có thể cũng khó. Nhưng họ có những giá trị mà nhà trường đã giáo dục cho các em. Ví dụ trẻ con Mỹ khá tự tin vì mỗi sớm chúng có xe buýt màu vàng đóng bằng gỗ rất xinh xắn cứ đến giờ đến đón, trẻ tự đi học. Trẻ ở đây không có thói quen bố mẹ phải đưa đón từ nhà đến cổng trường. Đến trường thì phòng học của các cháu được bố trí khác với các phòng học của Việt Nam, cô đứng trên cầm thước chỉ, trò ngồi dưới nhìn lên. Phòng học ở Mỹ thường được bố trí theo các nhóm có thể quây quần. Quanh lớp học có thể dán các loại thơ ca, hò vè…do các em sáng tác. Bên cạnh có các phòng truyền thống, phòng thể thao… Nhìn chung các cháu cảm thấy trường như mái nhà thứ hai của chúng. Và vì vậy khi lớn lên nó rất nhớ mái trường này v.v…
Quay lại nền giáo dục Việt nam, một đứa con bị ngã thì cha mẹ chạy đến nựng con: “Ối con tôi thế này…! Ối con tôi thế khác…!”, trong khi ở Tây, người ta thường chỉ cầm tay con dắt lên, thế thôi, làm cho đứa trẻ nó tự lập hơn.
Theo như tôi không nhầm thì từ trước đến nay ở Việt Nam ta chưa có một đứa trẻ nào dám táo bạo đề nghị được phỏng vấn một nguyên thủ quốc gia như cậu bé Mỹ kia?
PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Đã có một vài ví dụ khá hấp dẫn rồi. Vừa rồi có một nhóm các em sinh viên Việt Nam tự mình khám phá rồi tự mình tổ chức, tự mình tìm nhà tài trợ để bay sang Hồng Kông tham gia một vài kỳ thi về trọng tài. Có học sinh lớp 8, lớp 9 đã dám viết thư cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về những đề thi văn này, khác. Có thiếu gì những lá thư của các em nói thầy ơi thầy giảng thế này thì khổ chúng em quá…Có nghĩa là dù ở bậc muộn hơn so với cậu bé Mỹ kia nhưng ở ta cũng đã có những hành động của lớp trẻ dám tự chịu trách nhiệm trước hành động của mình, trước cuộc đời của mình.
Cách đây không lâu ở ta đã tổ chức cho các cháu “chơi” một “trò” hoạt động nghị trường. Ông nghĩ gì về việc này?
PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Trên thế giới người ta đã tổ chức “Liên hiệp quốc nhí”. Đây là mình bắt chước thôi. Các chính khách phương Tây cứ định kỳ là họ mở cửa Quốc hội cho trẻ vào xem. Ở Nhật cũng vậy, người ta hay dẫn con cái đến công sở giới thiệu đây là bàn làm việc của Tỉnh trưởng, Tỉnh phó... Họ coi quyền lực là của công chứ đâu phải là cái oai của ai, ông, bà nào đâu. Trên cổng vào lăng Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh, Trung Quốc có chữ: “Thiên hạ của công”. Ở Đức có chương trình cho con hiểu trách nhiệm của bố. Đôi khi người ta mở những buổi cho con đi lái tầu cùng với bố để con hiểu được công việc của bố hơn… Còn ở Việt Nam thì quyền lực vẫn như là một thứ cung cấm, huyền bí lắm. Ngay cả đối với người lớn, đã ai dám có nguyện vọng được gặp Tổng Bí Thư hay Thủ tướng để mạn đàm đâu, huống chi là trẻ em. Bởi vì chính khách nước ta không còn quen nghệ thuật thân thiện với dân chúng. Hiếm thấy Chủ tịch hay Bí thư thời nay gặp thường dân như Cụ Hồ đã từng lặn lội Tết đến thăm bà gánh nước, hay những gia đình bần cùng ở Hà Nội. Những cuộc viếng thăm của quan chức mình bây giờ đầy kế hoạch. Cái thô mộc, cái đơn sơ nó không còn nữa. Trống dong, cờ mở, còi hủ trên, dưới, bảo vệ vòng trong vòng ngoài trong các cuộc này…làm cho dân chúng cảm thấy quan chức bây giờ là một giới xa cách đối với họ. Điều này không phải chỉ bây giờ mới có. Khi tôi vào Đại Nội (Huế), thấy trước mặt đức vua ngồi lại có đỉnh đồng, tôi hỏi căn nguyên thì cô hướng dẫn viên ở đây bảo rằng để hương khói. Tôi lại hỏi vua còn sống sao lại hương khói. Cô này giải thích là để đốt cho hương khói bay lên khiến cho dân chúng, quần thần không được nhìn rõ nhà vua khi ngồi chầu mà chỉ được nhìn thấy quyền lực của nhà vua thông qua đám sương mù. Tôi sợ cái khái niệm ẩn dụ đấy nó vẫn còn đến tận bây giờ.
Trước cái làn “sương mù” như thế hiện nay, ông có lo ngại gì cho lớp trẻ?
PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Tôi nghĩ tài nguyên của đất nước này than rồi cũng bán hết đi, quặng rồi cũng bán đi hết, dầu cũng bán. Suy cho cùng chỉ còn con người. Cái quý nhất của con người là tự do, tự do nghĩ ngợi, tự do hành động, tự do mưu cầu hạnh phúc và phát triển nhân cách cá nhân mà không hại đến người khác. Suy cho cùng cái tự do sáng tạo sẽ làm cho khối tài nguyên của đất nước mình nó trở nên có giá trị cao hơn rất nhiều. Cũng như Hồng Kông, một vùng khô cằn đã trở nên giầu có vì thế. Và vì vậy, tự do gắn liền với phát triển, gắn liền với sự trường tồn dân tộc. Một dân tộc mà lại tự giam hãm mình trong lý thuyết giáo điều không chỉ làm cho dân tộc chậm tiến mà lâu dài có thể làm cho dân tộc suy tàn, biến mất vì bị các tộc người khác thu nạp trong văn hoá của họ. Rất nhiều dân tộc đã tồn tại và cũng đã biến mất khỏi trái đất này.
Những điều này ông có bao giờ nói cho học sinh mình nghe, ít nhất là trong khoa mình, trong trường mình không?
PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Ảnh hưởng của tự do đến sự phát triển tôi có thể nói được nhưng cần phải nghiên cứu thêm. Ở Việt Nam, tuy nhiên, cái tự do đó nó có thể bị ràng buộc. Những cái gì còn chưa thật tự do? Nói Việt Nam không có tự do thì không đúng, nhưng cần mở rộng tự do hơn, như bắt đầu từ giáo dục. Tôi ví dụ như sinh viên tốt nghiệp ra trường cứ vác hồ sơ đi “xin việc”. Tại sao lại xin viêc? Nếu như ta có chuyên môn, ta có thể cống hiến cho ai đó thì tại sao ta lại không đi “tìm việc” chứ? Ngay cái thái độ “xin” ấy nó cũng thể hiện một sự thiếu tự tin. Sự thiếu tự tin đó không phải tự nhiên bây giờ mới có mà do lớp lớp thế hệ từ trước dội lại. Thiếu tự tin có một phần do ta không được tự do tập rượt.
Như vậy thì cần đột phá ở chỗ nào, làm như thế nào trước thực trạng này?
PGS-TS Phạm Duy Nghĩa: Trong một bài báo Tết tôi đã viết dân mình cứ mong hóa rồng hóa hổ… mà sao không mong thành người theo đúng nghĩa của nó? Ý tôi muốn gửi tới mọi người một thông điệp trong giáo dục: Mình hàng ngày cứ nhét vào túi trẻ con 8-9kg sách mà tại sao không giáo dục chúng thành người tự do? Muốn vậy phải cho chúng không gian tự do, phải cho chúng tập rượt những bước đi tự do đầu tiên. Bố mẹ ngày nào cũng phải mất đến cả tiếng đồng hồ đưa đón con. Con lúc nào cũng cứ ôm chặt lấy bố mẹ thì nó làm sao có cơ hội mà giao tiếp với xung quanh? Trong một bài văn phải cho chúng nó tự do bày tỏ cảm xúc, tất nhiên là trong sự định hướng của ông thầy. Ngoài ra còn phải quan tâm đến yếu tố truyền thống nữa. Phải làm sao chỉ cho các em thấy mình dù có tóc dâu ngô, quần bò thụng thì mình vẫn là giống người Việt. Với sức vóc hạn chế của người Việt ta như vậy thì phải giáo dục cho con cháu mình như thế nào để chúng có thể thành đạt. Tóm lại cần phải có triết lý giáo dục truyền thống như vậy kết hợp với tinh thần tư do. Nói thì như vậy nhưng chúng ta có thể hoàn toàn học cách giáo dục của Nhật từ thế kỷ 19.
Cảm ơn ông!
Trần Ngọc Kha thực hiện