Thứ Ba, 3 tháng 2, 2009

Hút chết trong rừng Phúc Lợi

Trần Ngọc Kha
Sâm sẩm tối vẫn không tìm thấy lối ra. Đói, khát và lo lắng đã khiến hai chúng tôi gấn như tuyệt vọng. Hoang mang nhất là lúc được chủ rừng Phùng Văn Tuấn cho biết nếu như phải ngủ lại trong rừng nguyên sinh này đêm nay thì điều đó gần như là đồng nghĩa với cái chết đang cận kề…
Ấy là chuyến đi điều tra vụ lâm tặc phá rừng nguyên sinh xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái theo đơn tố cáo của ông Phùng Văn Tuấn, chủ rừng và nguyên là quyền Chủ tịch UBND xã Phúc Lợi, diễn ra từ cách đây vài năm. Theo ông Tuấn, những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI ấy, hàng trăm héc ta rừng phòng hộ, rừng tự nhiên ở đây đã bị tàn phá nghiêm trọng dưới sự bao che, dung túng và làm ngơ của nhiều thế lực. Trong khi đó, có những người như ông Tuấn kiên quyết giữ rừng bất chấp hiểm nguy thì lại bị trù dập, thậm chí bị khai trừ đảng một cách vô nguyên tắc. Để có thể tận mắt nhìn thấy thảm cảnh này, chúng tôi quyết định theo chân ông Tuấn vào rừng.
Tinh mơ, đoàn chúng tôi xuất phát. Chủ rừng Phùng Văn Tuấn đã thông cảm cánh nhà báo “thư sinh” chúng tôi mà nhận mang vác hết mọi thứ những là đồ ăn, thức uống… cho cả đoàn. Mỗi người chúng tôi chỉ phải sắm cho mình độc có chiếc gậy trúc để đi đường. Rừng nguyên sinh Phúc Lợi đã hiện ra trước mặt sau vài giờ đi bộ mà không ai hay biết. Là vì nó trống trơn, chỉ rặt có những là cây bụi lúp súp, lưa thưa, xen kẽ giữa những tán cây tái sinh mới nhú cao hơn một tầm với. Hiếm hoi lắm mới bắt gặp đôi ba cây lưng lửng cao, thân to lắm cũng chỉ rộng chừng hơn nửa vòng tay người ôm mà thôi. Ông Tuấn khoát tay một vòng nói: “Trước đây, toàn bộ chỗ này chỉ có những cây to gỗ quý nhóm 1, nhóm 2, vài ba người ôm không xuể. Thỉnh thoảng còn nghe thấy tiếng chim, tiếng lợn rừng, tiếng nhím…”. Yên tĩnh quá! Sau trận mưa đêm qua, đường rừng trơn trượt, khiến chúng tôi cứ phải đi xiên, đi ngả như làm xiếc. Quá trưa, nơi chúng tôi cần đến đã hiện ra trước mặt. Thấy có người lạ, tất cả những âm thanh chặt cây, xẻ gỗ, cả những tiếng rì rầm của đám thợ đều im bặt tản ra xung quanh, bỏ mặc lại chỏng chơ những đồ nghề cùng những khúc gỗ cưa, chặt còn dang dở. Mùn cưa vãi ra vàng ươm từng chỗ. Tôi nín lặng quan sát. Đâu đó lấp ló vài cái đầu nhô ra từ những bụi cây, những khúc ngoặt con đường, từ dưới khe suối cạn… Họ cũng nín lặng nhìn chúng tôi, vẻ dò xét. Đi tiếp, chúng tôi lại bắt gặp một tốp thợ khác. Cũng những cảnh tương tự diễn ra. Tôi đếm vội hết cả bàn tay những thân cây bị hạ rồi lấy máy ảnh ra chụp lia lịa. Vừa chụp vừa canh chừng biết đâu từ một góc rừng nào đó, lại có những cái lao nhọn hoặc một cục đã được lao, được ném về phía mình. Như hiểu được nỗi lo của cánh nhà báo chúng tôi, ông Tuấn liếc ngang, liếc dọc canh chừng.
Lại đi tiếp. Đồng hồ điện thoại di động đã báo chứng tôi đã đi như thế được.hơn 10 tiếng đồng hồ. Lúc này, tôi đã thực sự thấm mệt. Lại đói nữa vì trưa nay tôi không thể nào nuốt nổi những món ăn mà ông Tuấn chuần bị do không hợp khẩu vị. Cái ống nứa chứa nước đun ban nãy giò cũng đã cạn kiệt trong tay tôi. Trời đang ngả về chiều. Rừng trúc đã hiện ra thật là ngoạn mục. Xung quanh toàn là trúc, xanh ngăn ngắt, nghiêng nghiêng dọc các triền đồi. Trong lúc đang mê mải ngắm nhìn không chán mắt vẻ đẹp trời phú này thì Ông Tuấn cất tiếng: “Các ông ơi! Hình như chúng ta bị lạc rồi thì phải”. Tôi thảng thốt trong cái nhìn ngoái lại với ông Tuấn: “Chết! Ông là chủ rừng cơ mà”. Dường như cùng một lúc, Lưu Anh Đoàn - một đồng nghiệp đi cùng bị ngã đánh roạt. Toàn thân anh nèm ẹp xuống một phiến đá rêu phủ ướt nhoẹt. Tôi chợt nghĩ dại, nếu lúc này mà Đoàn bị làm sao thì… May cho anh ta, may cho chúng tôi, Đoàn không sao. Nhưng, cảm giác thất vọng, buồn chán thực sự chỉ bắt đầu đến với tôi khi ông Tuấn vô tình thốt lên một điều: nếu phải ngủ lại đêm nay trong rừng thì cầm chắc là… chết. Cói thể chết rắn rết, vì gió máy, hoặc vì bất cứ một sự đe doạ nào có thể xảy ra do không thể tự mình bảo về được.
Tôi ngồi bệt xuống một mô đất, mặc cho ông Tuấn xoay xoả, cũng như phó mặc cho số phận đưa đẩy. Mệt đứt hơi đến mức không ai trong đoàn còn muốn nói chuyện gì với ai. Trời cứ sầm sập tối. Ông Tuấn giục chúng tôi thử đi tiếp theo một hướng. Vẫn vô vọng. Chúng tôi cứ loay hoay, luẩn quẩn mãi đến gần một tiếng đồng hồ trong cái rừng trúc mà lúc đầu với tôi thơ mộng bao nhiêu thì bây giờ vỡ mộng bấy nhiêu. Bao nhiêu ý nghĩ, cảm xúc cứ thế trào dâng trong tôi. Ân hận nhất là tôi đã chót rủ Đoàn đi, để rồi cùng tôi lâm nạn. Chúng tôi bắt đầu nghĩ đến cái chết. Thế rồi…
May thay phúc nhà tôi còn to lắm, từ trong khoảng tối nhờ nhờ cách tầm tay với, tiếng của Tuấn lại cất lên, lúc này to như lệnh vỡ: “Thấy rồi! Thấy rồi!”. Chúng tôi đều nhổm cả người đứng dậy, reo lên ầm ĩ, váng cả một góc rừng. Thế là sống rồi! Sống rồi! Hai chữ này cứ thế choán ngợp trong ý nghĩ, thôi thúc tôi cố lê bước bám theo ông Tuấn. Thế nhưng, cha mẹ ơi! Lại một cái thông báo điếng người vẫn phát ra từ miệng ông Tuấn: “Nhưng mà vẫn còn đến gần chục cây số đường rừng nữa cơ!”.
Chúng tôi vượt qua gần chục cây số đường rừng này gần như hết cả đêm. Đầu tiên thì đi như thường lệ, rồi nghỉ. Lại nghỉ. Cứ chốc lại phải nghỉ. Khoảng một cây số cuối cùng, thỉnh thoảng tôi đã phải bò lê lết mới có thể hoàn thành.
Tôi đã thoát chết - đó là một sự thực may mắn, tất nhiên. Nhưng may hơn thế là tôi đã lĩnh hội được một bài học về niềm tin vào ý chí con người có thể làm được tất cả, vượt qua được tất cả…
T.N.K

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét